Lịch sử Gundahar

Những câu chuyện huyền thoại về ông xuất hiện trong các thư tịch viết bằng tiếng Latinh, tiếng Đức thời Hậu kỳ Trung Cổ, tiếng Bắc Âu cổ, và Anh cổ, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ giữa ông với Siegfried (Sigurd trong tiếng Bắc Âu cổ) và cái chết của vị anh hùng này tại triều đình của Attila người Hun.

Năm 406, đám người rợ Alan, Vandal, Suevi, và có khả năng là người Burgundy vượt sông Rhine và xâm chiếm xứ Gaul. Năm 411, vua người Burgundy là Gundahar hay Gundicar đã lập một hoàng đế bù nhìn, Jovinus, cộng tác với Goar, vua người Alan.[1] Với quyền lực của hoàng đế Gaul mà ông kiểm soát, Gundahar đưa dân định cư ở bờ trái hoặc phía tây (tức là đất La Mã) của sông Rhine, nằm giữa sông LauterNahe, đánh chiếm Worms, Speyer, và Strasbourg.[2] Rõ ràng là một phần của một thỏa thuận đình chiến, Hoàng đế Honorius sau đó chính thức "ban" vùng đất này cho họ. Olympiodorus thành Thebes cũng nhắc đến một Guntiarios nào đó được gọi là "chỉ huy của người Burgundy" trong bối cảnh vụ dấy loạn ở vùng Germania Secunda năm 411 của Jovinus.

Bất chấp địa vị mới của họ trong vai trò là foederati, người Burgundy đột kích vào vùng thượng Gallia Belgica của La Mã đến mức trở nên không thể chịu nổi và phải nếm cái kết cuộc tàn nhẫn vào năm 436, khi tướng quân La Mã Flavius Aetius kêu gọi lính đánh thuê Hun tràn ngập vương quốc Rhineland (với kinh đô nằm ở khu định cư La Mã của người Celt cổ tên Borbetomagus, bây giờ được gọi là Worms) vào năm 437.[3] Gundahar theo như sử liệu cho biết đã bị giết trong cuộc chiến, cùng với phần lớn bộ tộc Burgundy.[4]